B8

Posted by tranminhhuydn on Wed, 29/03/2017 02:07

BÌNH CHÙY NGẠNH TỢ THIẾT

枰錘硬似鐵

Trái cân cứng như sắt.

Dụ chỉ cơ phong cứng rắn, khó tiếp nhận, ứng đối.

Tiết Pháp Vân Pháp Tú Thiền sư trong NĐHN q. 16 ghi:

山僧不會巧說、大都應箇時節。相喚喫碗茶湯、亦無祖師妙訣。禪人若也未相諳、踏著秤鎚硬似鐵。

Sư thượng đường, nói: Sơn tăng chẳng biết nói khéo, phần lớn tùy cơ đối đáp, mời nhau thưởng thức chén trà, cũng không có pháp bí truyền của Tổ sư. Thiền nhân nếu như chưa hiểu nhau, đạp nhằm trái cân cứng như sắt.


BÌNH ĐỊA

平地

Vô cớ.

Tiết Kinh Triệu Phủ Lai Hòa thượng trong NĐHN q. 9 ghi:

平地教人作保。

Vô cớ khiến người bảo lãnh.

BÌNH ĐỊA HÃM NHÂN

平地陷人

Vô cớ hại người.

MANL ghi:

若作佛法商量、故是匙排不上。不作佛法商量、平地陷人無數。總不與麼、也是食飽傷心。

Nếu lấy Phật pháp để thương lượng, dĩ nhiên là khó lãnh hội, mà không dùng Phật pháp để bàn luận thì vô cớ hại vô số người. Nếu tất cả chẳng như thế, cũng là ăn no mích lòng.

BÌNH ĐỊA KHỞI CỐT ĐÔI

平地起骨堆

Đất bằng nổi phần mộ.

Cốt đôi: Ngôi mộ giả, trong không có người chết.

Thuật ngữ chỉ cho hành vi hư vọng uổng công.

Tiết Hoa Nghiêm Long Thiền sư trong TLTBT q. 20 ghi:

虛空釘鐵橛、平地起骨棟、莫將閑學解、安著佛階棲。

Thiền sư Hoa Nghiêm Long nói: Hư không đóng cọc sắt, đất bằng nổi phần mộ. Chớ đem sự học hiểu suông để sắp đặt giai vị lên quả Phật.

BÌNH ĐỊA NGẬT GIAO

平地吃交

Ngã té trên đất bằng.

Thuật ngữ chỉ cho sự hồ đồ. Tiết Vân Phong Văn Duyệt Thiền sư trong NĐHN q. 12 ghi:

上堂:汝等諸人、與麼上來、大似刺腦入膠盆、與麼下去、也是平地吃交。

Sư thượng đường nói: Này các ông! Nhấc lên như thế cũng là ngu si, buông xuống như thế cũng là hồ đồ.

BÌNH ĐỊA QUẬT KHANH

平地掘坑

Đất bằng đào xới thành hầm hố.

Thuật ngữ chỉ cho việc làm không cần thiết, uổng công vô ích.

PDgNL q. thượng ghi:

人無僧俗、同臻法會、何處不可?更待山僧擊揚斯事、恰似平地掘坑。

Người không phân biệt tăng hay tục, cùng đến pháp hội, chỗ nào mà chẳng thể lãnh hội? Còn chờ Sơn tăng đề cao việc này giống như đất bằng đào xới thành hầm hố.

BÌNH ĐỊA THƯỢNG CAN QUA

平地上干戈

Vô cớ phát động chiến tranh.

Thuật ngữ chỉ cho hành vi dư thừa, luống công vô ích.

MANL ghi:

德山棒如雨點、臨濟喝似雷奔、正是平地上干戈、太於時細作。

Đức Sơn vung gậy như mưa rơi, Lâm Tế hét vang như sấm rền, chính là vô cớ phát động chiến tranh. Lúc thái bình cũng cần đến công tác tình báo.

BÌNH ĐIỀN THIỀN VIỆN

平田禪院

Thiền viện Bình Điền.

Thiền sư Phổ Ngạn tu khổ hạnh ở núi Thiên Thai vào đời Đường, mọi người ngưỡng mộ đức của Sư, xây cất thiền viện Bình Điền để Sư trụ trì. Lâm Tế Nghĩa Huyền có lần đến đây tham vấn ngài Phổ Ngạn.

BÌNH GIAO

平交

Việc giao tế bình đẳng, không phân biệt trên dưới, hoặc chỉ cho người đồng hàng với ta về đạo đức, tư cách, tuổi tác v.v…

Như vị Thủ tọa có tuổi tác, tư cách, đức hạnh ngang bằng với mình thì gọi Bình giao Thủ tọa.

BÌNH HOÀI

平懷

Tâm bình đẳng tự nhiên, chẳng khởi tư tưởng phân biệtđối lập.

TTM ghi:

莫逐有緣、

勿住空忍。

一種平懷、

泯然自盡。

Đừng theo nơi Có,

Chớ trụ nơi Không.

Trọn một bình đẳng,

Tuyệt nhiên tự sạch.

BÌNH NHÂN

平人

Người vô tội.

MANL ghi:

無限平人被陸沉。

Vô số người vô tội bị chết chìm trên đất bằng.

Trung Phong Quảng Lục, q. 4 ghi:

今日不辭與你說破、久後恐累及平人。

Hôm nay không từ chối nói toạc với ông thì e rằng sau này sẽ liên lụy đến người vô tội.

BÌNH SƠN THÁP

平山塔

Còn gọi: Tháp Then.

Tháp Bình Sơn, nằm ở giữa sân phía trước chùa Vĩnh Khánh, thuộc xã Tam Sơn, huyện Lập Trạch, tỉnh Vĩnh Phú, miền Bắc Việt Nam.

Tháp được tạo dựng vào đời Trần, hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử, di tích nghệ thuật có giá trị cao vào bậc nhất nước ta. Ngôi bảo tháp này được xây bằng gạch đất nung để trần, mặt ngoài viên gạch có hoa văn trang trí đặc sắc, màu nâu thẫm. Thời gian đã hủy hoại mất mấy tầng trên và chỏm của ngôi tháp, ngày nay chỉ còn lại 11 tầng và phần bệ ở dưới chân, tất cả cao chừng 15m. Quanh bệ tháp có lan can con tiện bằng đất nung, song cũng đã bị phá hủy từ lâu. Mặt bằng tháp hình vuông, rỗng giữa. Đáy bệ tháp có các cạnh dài 4,45m, cao l,62m. Tầng dưới cùng có cạnh dài 3,30m, cao 2,72m. Tầng trên cùng cạnh dài 1,55m. Các tầng tháp xây thon dần và ngắn dần theo chiều cao, bốn mặt có cửa cuốn tò vò nhỏ dần theo tầng tháp. Những trận lụt lớn đã làm tháp bị nghiêng và sụt lở, có nguy cơ đổ hoàn toàn. Để trả lại vẻ đẹp và độ bền vững cho tháp Bình Sơn, các nhà khoa học, các nghệ nhân đã tháo dỡ rồi lắp ráp, dựng lại theo đúng quy cách cũ. Tháng 10 năm 1974 công việc tu sửa hoàn thành, cây bảo tháp vùng đất Tổ được trở lại với dáng hình cổ xưa.

Theo: Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp (1989-1995).

BÌNH TĂNG

平僧

Có hai nghĩa:

1. Hạng tăng lữ mới xuất gia mà chưa được vào đẳng cấp nào.

2. Vị tăng chưa được nối pháp.

BÌNH THẬT NGỮ

平實語

Lời nói bình thường, chân thật.

PDNL, q. hạ ghi:

上堂、僧問:如何是佛?師云:許多時向什麼處去來?乃云:達磨未來時、冬寒夏熱;達磨來時、夜暗晝明。諸人若下得一轉平實語、喫鹽聞咸、喫醋聞酸;若道不得、迦葉門前底。

Sư thượng đường. Tăng hỏi: Thế nào là Phật? Sư nói: Nhiều lúc không biết đi đâu đây? Rồi sư nói tiếp: Đạt-ma chưa đến, đông lạnh hạ nóng. Đạt-ma đến rồi, đêm tối ngày sáng. Nếu các ông nói được một lời bình thường chân thật thì ăn muối biết mặn, uống giấm biết chua. Nếu các ông nói chẳng được thì còn ở trước cửa của ngài Ca-diếp.

BÌNH THIẾP

平怗

Bình an, ổn định.

Tiết Dục Vương Giới Kham Thiền sư trong NĐHN q. 18 ghi:

上堂:我若說有、你爲有礙。我若說無、你爲無礙。我若橫說、你又跨不過。我若豎說、你又跳不出。若欲叢林平怗、大家無事、不如推倒育王。且道育王如何推得倒去?召大眾曰:著力!著力!

Sư thượng đường nói: Nếu ta nói có, ngươi sẽ bị có làm ngại; nếu ta nói không, ngươi sẽ bị không làm ngại. Nếu ta nói ngang, ngươi lại không vượt qua được. Nếu ta nói cứng thì ngươi nhảy chẳng ra khỏi. Nếu muốn tùng lâm an ổn, mọi người vô sự, chẳng bằng xô ngã Dục Vương (chỉ ngài Giới Kham). Thử hỏi làm sao xô ngã Dục Vương? Sư gọi đại chúng bảo: Nỗ lực! Nỗ lực!

BÌNH THƯỜNG ẨM TRÁC

平常飲啄

Ăn uống bình thường.

Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho sinh hoạt bình thường nhàn nhã của người ngộ thiền.

Dục Vương Hoài Uẩn Thiền sư trong NĐHN q. 15 ghi:

但知十二時中、平常飲啄、快樂無懮。

Chỉ biết sinh hoạt bình thường trong một ngày đêm, vui vẻ không lo.

BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO

平常心是道

Tâm bình thường là đạo.

Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho bản thể của tự tính bình thường cùng khắp thời gian không gian, nơi phàm chẳng bớt, nơi Thánh chẳng thêm. Tâm này bình đẳng, chẳng sinh chẳng diệt, chúng sinh y theo tâm này ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, nên gọi bình thường là đạo vậy.

LTNL ghi:

若人修道道不行、萬般邪境競頭生。智劍出來無一物、明頭未顯暗頭明。所以古人云:平常心是道。

Nếu người tu đạo chỉ nói mà không thực hành, muôn thứ cảnh tà giành nhau sinh. Kiếm trí huệ xuất hiện thì không còn một vật. Chỗ sáng dù chưa hiện song chỗ tối đã rõ. Cho nên người xưa nói: Tâm bình thường là đạo.

BÌNH TÍNH

平性

Bản tính bình đẳng.

Minh Châu Tụng trong PKNL q. 18 ghi:

諸佛衆生平性、豈同外物消長?

Chư Phật và chúng sinh bản tính bình đẳng, há cùng với ngoại vật tăng giảm.

BÌNH TRẦM

平沉

1. Lún xuống.

NTNL q. thượng ghi:

指法座:大地平沉、此座高廣、千變萬化、無功受賞。

Sư chỉ pháp tòa nói: Mặt đất lún xuống, tòa này cao rộng, ngàn biến vạn hóa, không công mà được thưởng.

2. Sa sút, suy sụp.

Động Sơn Hòa thượng trong TĐT q. 6 ghi:

苦哉!苦哉!今時學者、例皆如此、秖認得驢前馬後、將當自己眼目、佛法平沉、卽此便是。

Khổ thay! Khổ thay! Người học đạo ngày nay lệ thường đều như thế. Chỉ biết nô lệ người khác cho là nhận thức của mình. Phật pháp suy sụp, chính là ở chỗ này.

BÌNH TRỊ

平治

Sửa sang, sắp xếp.

Minh Châu Tụng trong PKNL q. 18 ghi:

平治自家田地、淨除瓦礫荊棘。

Sửa sang ruộng vườn nhà mình, dọn sạch ngói gạch gai góc.

BÌNH XUẤT

平出

Tương đương, ngang nhau.

PDNL q. trung ghi:

上堂、僧問:承師有言、山前一片閑田地、只如威音王已前、未審什麼人爲主?問取寫契書人。學云:和尚爲甚麼倩人來答?師云:只爲你教別人問。學云:與和尚平出去也。師云:大遠在!

Sư thượng đường, tăng hỏi: Con nghe sư nói phía trước núi có một mảnh đất để trống. Vậy từ Oai Âm Vương về trước, người nào làm chủ đất này? Sư bảo: Hãy hỏi người viết bằng khoán. Học nói: Vì sao Hòa thượng nhờ người đáp? Sư bảo: Chỉ vì ông hỏi giùm người khác! Học nói: Cùng Hòa thượng ngang nhau rồi! Sư bảo: Còn rất xa.

BÌNH XƯỚNG

評唱

Tuyên thuyết, bàn luận về cơ ngữ hành vi của người xưa.

BNL q. 1 ghi:

師(指佛果和尚)住澧州夾山靈泉禪院、評唱雪竇顯和尚頌古語要。

Sư (chỉ Phật Quả Hòa thượng) trụ Thiền viện Linh Tuyền ở Giáp Sơn, Lễ Châu, bình xướng tụng cổ ngữ yếu của Hòa thượng Tuyết Đậu Hiển.

BỈNH CỰ

秉炬

Còn gọi: Hạ hỏa, Hạ cự.

Cầm đuốc để châm lửa.

Một nghi thức trong lúc hỏa táng trong thiền lâm. Trong khi làm lễ, chỉ có người kế thế trụ trì là cầm đuốc thật; những người còn lại đều cầm cây đuốc gỗ sơn đỏ để tượng trưng cho lửa hoặc dùng cây đuốc đầu có bông đỏ như ngọn lửa.

BỈNH PHẤT

秉拂

Cầm phất tử.

Phất, chỉ cho cây phất trần (phủi bụi), là đồ vật trang nghiêm của Thiền gia. Khi thượng đường thuyết pháp cho đại chúng, vị Trụ trì hay người thay thế cho Trụ trì tay cầm phất tử thì gọi là Bỉnh phất.

TMVK ghi:

後二年、擧賢篷頭首衆、立僧秉拂、說法有大過人處。

Hai năm sau, cử Hiền Bồng đứng đầu tăng chúng, là vị tăng đứng cầm phất tử, thuyết pháp có chỗ hơn người.

BỈNH PHẤT NGỮ LỤC

秉拂語錄

Gọi đủ: Cổ Sơn Vi Lâm Thiền sư Cư Thủ Tọa Liêu ngữ lục.

Còn gọi: Vi Lâm Thiền sư Bỉnh Phất ngữ lục, Vi Lâm Đạo Bái Thiền sư Bỉnh Phất ngữ lục.

Ngữ lục, 2 quyển, do Vi Lâm Đạo Bái soạn vào đời Thanh, Thái Tịnh ghi chép, được xếp vào Tục Tạng kinh tập 125. Nội dung gồm có Pháp ngữ lúc bỉnh phất, trà thoại, cử cổ, Phật sự, kệ, tụng, tán của thiền sư Đạo Bái khi ngài ở Cổ Sơn, Phúc Châu. Quyển cuối là phần phụ lục “Hộc Lâm Ai Khổn” 1 quyển, là bài văn tưởng niệm về Thầy của sư là Vĩnh Giác Nguyên Hiền. Nội dung bao gồm: Tiên Hòa thượng Quy Chân Ký, lời dạy sau cùng, Tế văn, Tháp chí, Khởi Khám Cáo văn, Phong tháp cáo văn, cho đến lời bạt của vị tăng Nhật Bản là Liên Sơn Văn Dị.

BỐ ĐẠI HÒA THƯỢNG (?-916)

布袋和尚

Thiền sư đời Ngũ Đại, tự xưng Khế Thử, hiệu Trường Đinh Tử, người xứ Phụng Hóa Minh Châu (nay thuộc Chiết Giang) Trung Quốc.

Người đời gọi sư là Bố Đại Hòa thượng, Di-lặc Phật, Hoan Hỷ Phật. Tôn tượng của sư ở Nhật Bản, được thờ phụng như một trong bảy vị Phúc thần.

BỐ MAO THỊ PHÁP

布毛示法

Sợi vải khai thị chân lý.

Công án này được thấy ở tiết Điểu Khòa Hòa thượng trong Tổ Đường tập q. 3 ghi: “Nhân thị giả từ biệt ra đi, Sư hỏi: Ngươi đi đâu? Thị giả thưa: Con đi học Phật pháp ở các thiền viện. Sư bảo: Nếu là Phật pháp, ở đây ta cũng có chút ít. Thị giả liền hỏi: Phật pháp ở đây là gì? Sư bứt một sợi vải trên áo vải đưa lên miệng thổi để khai thị. Thị giả liền ngộ.

BỐ NẠP

布衲

1. Áo vá của chư tăng.

Bài thơ Sơn trung tứ oai nghi: trong PDNL q. hạ ghi:

但得身心到處閒、多年布衲從教破。

Chỉ cần thân tâm đến được chỗ an nhàn, mặc cho chiếc áo vá lâu năm bị rách.

2. Từ gọi tăng nhân.

Tiết Dược Sơn Duy Nghiễm trong NĐHN q. 5 ghi:

遵布衲浴佛、師曰:這箇從汝浴、還浴得那箇麼?遵曰:把將那箇來。師乃休。

Tuân Bố nạp tắm Phật. Sư bảo: Cái này được ngươi tắm, có tắm được cái kia chăng? Tuân đáp: Xin đem cái kia lại. Sư liền thôi.

BỐ PHÁT YỂM NÊ

布髮掩泥

Trải tóc lên bùn.

Theo truyện thần thoại Phật giáo, tiền thân của đức Phật Thích Ca dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng và khi thấy mặt đất lầy lội, ngài đem tóc của mình trải lên bùn để Phật Nhiên Đăng bước qua.

MGNL q. 1 ghi:

布髮掩泥因底事?

Trải tóc lên bùn vì việc gì?

BỒ ĐỀ ĐẠT MA (?-528/536)

菩提達

Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma

Tổ thứ 28 của Ấn Độ và là Sơ Tổ Thiền tông Trung Quốc.

Ngài là con trai thứ ba của Quốc vương nước Hương Chí, thuộc Nam Thiên Trúc, học đạo với Tổ Bát-nhã-đa-la và kế thừa Tổ.Đời Lương Võ Đế, năm 520 Ngài vượt biển đến tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Vua Võ Đế sai sứ rước ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp. Qua cuộc đối thoại với vua, thấy không khế hợp, Ngài liền qua sông đến đất Ngụy, dừng ở chùa Thiếu Lâm, ngồi thiền xoay mặt vào vách. Người thời ấy không hiểu ý, gọi ngài là vị Bà-la-môn ngó vách. Bấy giờ có sư Thần Quang vì cầu pháp với ngài nên chặt tay. Ngài cảm kích trước lòng thành của Sư liền truyền pháp an tâm, trao sư tâm ấn Thiền tông, đổi tên sư là Huệ Khả. Được 9 năm, ngài phó chúc chỗ thâm diệu của Thiền tông, trao y bát và kinh Lăng-già 4 quyển cho Huệ Khả. Không bao lâu, ngài thị tịch và được an táng tại chùa Thiếu Lâm núi Hùng Nhĩ. Vua Lương Võ Đế tôn xưng ngài là Thánh Trụ Đại Sư, Đường Đại Tông ban thụy hiệu Viên Giác Đại Sư.Về đệ tử, ngoài Huệ Khả ra còn có các vị: Đạo Dục, Tăng Phó, Đàm Lâm v.v... Về pháp thiền, ngài đề xướng phương pháp tu hành gồm Lý nhập và Hạnh nhập.

Tác phẩm: Thiếu Thất Lục Môn, 1 quyển.

BỒ ĐỀ ĐẠT MA NAM TÔNG ĐỊNH THỊ PHI LUẬN

菩提達磨南宗定是非論

Luận nghị, không chia quyển, do Thần Hội thuật vào đời Đường, Độc Cô Bái ghi và viết lời tựa.

Đây là quyển còn sót lại (mất nửa phần sau) của bản chép tay ở Đôn Hoàng, ghi chép lại việc biện luận chính tà, thị phi giữa Thần Hội (đại diện cho Nam Tông) và Sùng Viễn (đại diện cho Bắc Tông) tại đại hội Vô Già tổ chức ở chùa Đại Vân, Hoạt Đài, Hà Nam. Toàn thiên sử dụng hình thức vấn đáp. Bài tựa của Độc Cô Bái cũng dùng hình thức vấn đáp, nội dung chính của nó cũng là ghi chép lại những lời nói của Thần Hội. Thiên giữa chỉ ra “Đạt-ma muốn khai Tri kiến Phật cho là phải thầm khế hợp nên truyền một tấm ca-sa, cho là pháp tín nên trao cho Huệ Kha. Huệ Khả truyền lại Tăng Xán, Tăng Xán truyền lại Đạo Tín, Đạo Tín truyền lại Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn truyền lại Huệ Năng. Sáu đời Tổ sư truyền nhau, liên tục không dứt. Thần Hội đã dựng lên ngọn cờ tiên tiến, chứng cứ xác đáng về thế phổ chính tông của 6 đời Tổ sư Thiền tông Trung Hoa. Việc này đối với những vị tự xưng Bắc Tông là Chính thống chính là một đòn đả kích trí mạng, và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Thiền tông đời sau. Sách này được xếp vào Thần Hội Hòa thượng di tập do Hồ Thích hiệu đính (bản Đôn Hoàng, được chép tay vào đời Đường).

BỒ ĐỀ THIỀN VIỆN

菩提禪院

 Thiền hay Thiền tông Việt Nam nói riêng vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người ngay cả bản thân người Việt Nam. Tuy nhiên, với lòng tha thiết, mong mỏi, Đại đức Thích Tuệ Chấn và một số Phật tử trong khu vực miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã tạo một cơ sở để mọi người có thể tu học Phật pháp và Thiền học.

Đặc biệt là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã dày công khơi lại mạch nguồn vốn bị quên lãng trong một thời gian dài. Thiền Viện Bồ Đề được thành lập vào đầu năm 2001 và chính thức ra đời dưới sự chứng minh của Hoà thượng Tôn sư vào tháng 10 năm 2002 tọa lạc tại 773 đường Granite, thành phố Braintree, tiểu bang Massachussetts.

Sau gần 10 năm, Thiền viện đã trải qua những bước thăng trầm, ngôi chánh điện khang trang được hoàn tất năm 2005 là nơi sinh hoạt hàng tuần của những Phật tử gần xa, đến từ nhiều nơi khác nhau, từ Quincy đến Dorchester, từ Randolph đến Malden… hay từ tiểu bang Rhode Island đến Connecticut.

Tất cả cùng qui tụ về đây để cùng nhau nghiên cứu phật pháp qua những bài pháp âm của chư Tăng, sám hối ba nghiệp, toạ thiền tham vấn. Có những ngày tu tập Bát Quan Trai, Phật tử trở về Thiền viện nguyện giữ 8 giới căn bản trọn một ngày, một đêm theo lời Phật dạy, để gieo hạt giống xuất gia cho đời này hay nhiều đời sau nữa.

Riêng chư Tăng, hằng ngày phải tuân thủ hai thời toạ thiền, sám hối, học kinh, luật, luận từ băng giảng của Chư Tôn Đức trong tông môn vào các buổi chiều, đồng thời còn phải tập sống tỉnh thức trong bốn oai nghi để tạo cho bản thân một số vốn Phật pháp để có thể vừa tự lợi vừa giác tha. Tất cả sinh hoạt của Thiền viện đều dưạ trên nền tảng căn bản mà Hoà thượng Tôn sư đã vạch ra dựa theo tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà tức vua Trần Nhân Tông đã khai sáng cách đây hơn 700 năm về trước.

BỒ ĐOÀN

蒲團

Còn gọi: Viên tòa.

Dụng cụ để ngồi thiền, bện bằng cỏ bồ, hình tròn, hai mặt bằng phẳng.

Đây là vật mà Thiền sư dùng khi tọa thiền hay lúc quỳ lạy. Về sau, tuy bên trong độn bông hay mousse nhưng vẫn gọi là Bồ đoàn.

Bài Xuân Vãn của Trúc Lâm Đầu-đà (Thiền sư Việt Nam) ghi:

年少何曾了色空

一春心在百花中

如今勘破東皇面

禪板蒲團看墜紅

Tuổi trẻ đâu từng rõ sắc không,

Xuân về, hoa thắm vấn vương lòng

Chúa xuân nay đã nhìn tường mặt

Thiền bản, bồ đoàn ngắm rụng hồng.

BỒ TÁT ĐỈNH

菩薩頂

Đỉnh Bồ Tát, nằm trên ngọn Linh Thứu, phía Bắc chùa Hiển Thông, thị trấn Đài Hoài, Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Đây là một trong năm ngôi thiền tự lớn ở Ngũ Đài Sơn.

Tương truyền Ngũ Đài Sơn là đạo tràng của Bồ-tát Văn-thù. Bồ Tát Đỉnh là chỗ ở của Văn-thù cho nên còn gọi là “Chân Dung Viện”, “Văn-thù Tự”. Được xây cất vào thời Bắc Ngụy (386-534) trải qua nhiều đời có tu bổ. Chùa cất trên mỏm núi địa thế khá cao, trước cổng xây bậc thềm bằng đá gồm 108 bậc, phía trên bậc đá có đền thờ ba gian. Trong sơn môn có Thiên vương điện, Chung cổ lâu, Bồ tát điện, Đại hùng bảo điện. Hai bên có điện thờ phụ, phía sau có Thiền viện, Hành lang, quy mô hoàn chỉnh, bố cục nghiêm cẩn. Bồ tát điện mái chồng đỉnh yết sơn, Đại hùng bảo điện một mái năm cây đòn tay, câu lan xoay quanh, toàn bộ kiến trúc đều dùng ngói lưu ly ba màu lợp phủ. Dù trải qua vài trăm năm màu sắc vẫn cứ như mới.

BỔ ĐẮC LÃO THỬ, ĐẢ PHÁ DU ỦNG

捕得老鼠、打破油甕

Bắt được con chuột lại đập bể bình dầu.

Ý nói có được thì có mất, lợi không bù hại.

Tiết Kính Sơn Trí Sách Thiền sư trong NĐHN q. 18 ghi:

教中道:若以色見我、以音聲求我、是人行邪道、不能見如來。雖然恁麼、正是捕得老鼠、打破油甕若是塗毒即不然、色見聲求也不妨、百華影裡繡鴛鴦。

Lời nói trong Kinh: Nếu dùng sắc tướng để thấy ta, dùng âm thanh để tìm ta, người ấy tu hành thiên lệch, không thể thấy Như Lai. Mặc dù như thế, chính là bắt được con chuột lại đập bể bình dầu … Nếu là Đồ Độc tôi (chỉ pháp hiệu của thiền sư Trí Sách) thì chẳng phải như vậy, dùng sắc để thấy dùng âm thanh để tìm cũng chẳng ngại, giống như là chim uyên ương thêu trong bóng trăm đóa hoa.

BỔ THIỀN LÂM TĂNG BẢO TRUYỆN

補禪林僧寶傳

Truyện ký, 1 quyển, do Khánh Lão soạn vào đời Tống.

Sách này viết thêm truyện ký của 3 người, sau truyện có tán, thể lệ giống như “Thiền Lâm Tăng Bảo truyện”, văn chương trang nhã, được ra mắt vào đời Tống và phụ vào sau bộ Thiền Lâm Tăng Bảo truyện.

view(581)