C6

Posted by tranminhhuydn on Mon, 03/04/2017 47:06

CHÙY

槌、錐、錘、鎚

1. Bạch chùy 白槌, tương đương với việc xướng tăng bạt.

X. Bạch chùy, Kiền chùy.

2. Châm chùy 針錐: Cái dùi, chiếc kim dùng đâm lên đầu lên trán Thiền sư để khảo nghiệm trình độ tu hành của họ đến đâu.

X. Châm chùy.

3. Kiềm chùy 鉗鎚: Búa kìm là các khí cụ trong lò rèn.

Nhà thiền dùng để dụ cho thủ thuật, phương tiện rèn đúc Thiền sư nhằm giúp họ trở thành bậc tông tượng trong thiền môn.

X. Kiềm chùy.


CHÙY CHÂM

槌砧

Còn gọi: Chùy tĩnh, Truy châm, Chùy đôn.

Ở trong Luật viện hoặc trong Thiền đường, khi chúng tăng tề tựu đông đảo, vị Duy-na dùng chùy gõ vào châm để khiến đại chúng lặng lẽ, nghiêm túc.

Chùy: Cái dùi để gõ đánh; Châm: Cái đài nhỏ bằng cây. Cả hai đều có hình bát giác tượng trưng cho 8 hướng của núi Tu Di trong Vũ trụ quan Phật giáo. Thông thường, ở Trai đường khi chư tăng tề tựu để thọ thực thì sử dụng đến chùy châm.

Lăng Nghiêm Kinh Quán Tâm Định Giải q.2 ghi:

大眾雖蒙安慰未啟幽關。故假文殊槌砧相叩.

Đại chúng tuy được an ủi nhưng chưa mở nổi cửa ải sâu xa nên nhờ Văn Thù gõ chùy vào châm.

CHÙY TẨN

箠擯

Roi đánh đuổi đi. Chùy: Chiếc roi; Tẩn: Đuổi đi. Đối với vị tăng nào phạm việc ác một cách nghiêm trọng thì lấy roi đánh đuổi đi. Đây là hình phạt nặng trong các tự viện Thiền tông.

CHỦY ĐÔ LÔ

嘴都盧

Nói nhiều lời.

Truyện Thiền sư Bội Chương Hoàng trong VCSC ghi:

狗子佛性無、

趙州不自嘑

娘生今勘破、

佛祖嘴都盧

Con chó không Phật tính

Triệu Châu chẳng tự hô

Nay nhìn tận mặt mẹ

Phật Tổ nói nhiều lời.

CHỦY THƯỢNG GIA CHỦY

嘴上加

Trên miệng lại gắn thêm miệng, nghĩa là việc làm dư thừa.

ULL ghi:

語默動靜、一切聲色、盡是佛事。何處覓佛?不可更頭上加頭、嘴上加嘴。

Nói nín động tịnh, tất cả thanh sắc đều là Phật sự, còn tìm Phật ở chốn nào? Chẳng thể trên đầu chồng thêm đầu, trên miệng lại gắn thêm miệng.

CHUYÊN TÍN

專信

Trong Thiền viện, người được phái đi xử lý một việc gì đặc biệt, gọi là Chuyên sứ. Văn thư mà Chuyên sứ cầm đi gọi là Chuyên tín.

TUTQ q. 6 ghi:

專使於住持人前兩展三拜(一展云此馳專信、得奉尊顏、下情無任、瞻仰之至、又一展敘寒暄、乃觸禮三拜)。

Chuyên sứ đến trước mặt vị Trụ trì trình bày 2 lần, mỗi lần 3 lạy. (Một lần trình bày nói: Kẻ đưa văn thư này muốn được hầu hạ ngài, ý nguyện của kẻ này hết sức chiêm ngưỡng ngài. Một lần nữa trình bày thì hàn huyên tâm sự rồi lạy ba lạy).

CHUYỂN

1. Tụng đọc kinh Phật.

Tối Thượng Thừa luận ghi:

十二部經念念常轉。

Mười hai phần giáo thường tụng trong mỗi niệm.

2. Càng thêm, lại còn.

Tiết Nhữ Châu Nam Viện Ngung Thiền sư trong LĐHY q. 1 ghi:

眞金曾百煉、入火轉鮮明。

Vàng ròng đã được trui luyện trăm lần nên bỏ vào lửa càng thêm tươi sáng.

CHUYỂN MÊ KHAI NGỘ

轉迷開悟

Còn gọi: Chuyển phàm thành Thánh

Từ cảnh giới sinh tử mê vọng trong ba cõi, đạt đến cảnh giới Niết-bàn giác ngộ. Giáo pháp nói về chuyển mê khai ngộ, trong đạo Phật có thể chia làm các loại:

- Thánh Đạo môn: Chứng nhập ở cõi này

- Tịnh Độ môn: Chứng đắc ở cõi khác.

- Tiệm giáo: Nhiều kiếp tu hành.

- Đốn giáo: Thành Phật ngay thân này.

CHUYỂN NGỮ

轉語

Lời lẽ sắc bén tùy cơ nghi mà chuyển biến một cách tự do tự tại.

Lúc thiền giả (người học thiền) mê lầm không hiểu, tiến thoái lưỡng nan, vị sư gia tức thì xoay chuyển cơ phong hạ ngay chuyển ngữ để giúp hành giả khai ngộ.

Phần Giải thích của tắc 96, BNL q. 10 ghi:

趙州示此三轉語了、謂後却云:眞佛屋裏坐。

Triệu Châu dạy ba chuyển ngữ này xong, cuối cùng còn nói: Chân Phật ngồi trong nhà.

CHUYỂN THÂN

轉身

Xoay mình.

Thiền tông dùng từ này để chỉ cho trạng thái đốn ngộ của hành giả tham thiền.

Tham thiền kệ trong Thiền Tịnh Hợp Yếu của Thiền sư Phương Tụ Thành ghi:

參禪第一、

端須自決

掉臂轉身、

不假他力

Pháp tham thiền bậc nhất

Thẳng thắn tự giải quyết

Khi vung tay xoay mình

Chẳng nhờ sức người khác.

CHUYỂN THÂN NHẤT LỘ

轉身一路

Con đường chuyển thân.

Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho con đường đốn ngộ.

Viên Ngộ Phật Quả thiền sư ngữ lục q.1 ghi:

師乃云。寬廊非外。十方國土目前觀。寂寥非內。一毫頭上寶王剎。直得無內無外絕彼絕此。亘古亘今全明全暗。到這裏亦須有轉身一路。始能得大自在

Sư liền nói: Rộng thênh chẳng phải ngoài, cõi nước trong mười phương trước mắt xem. Vắng vẻ chẳng phải trong, trên đầu mảy lông hiện cõi Phật. Đúng là không trong không ngoài, sạch hết bỉ thử. Xuyên suốt xưa nay, toàn sáng toàn tối. Đến chỗ này cũng cần phải có một con đường chuyển thân mới có thể được đại tự tại.

CHƯ PHƯƠNG

諸方

Thiền sư ở các nơi, hoặc chỉ cho các Thiền viện.

Tiết Tuyết Phong Huệ Không Thiền sư trong NĐHN q. 18 ghi:

福州雪峰東山慧空禪師、本郡陳氏子。十四圓頂、即游諸方、遍謁諸老、晚契悟於草堂。

Thiền sư Tuyết Phong Đông Sơn Huệ Không ở Phúc Châu, con nhà họ Trần tại quận nhà. Sư xuất gia năm 14 tuổi, liền đi đến các Thiền viện, yết kiến các thiền sư, sau cùng ở chỗ Thảo Đường, sư khế ngộ.

CHƯ SẮC

諸色

Chỉ cho các thứ việc, các thứ vật.

Điều Nguyệt Phân Tu Tri trong STBTTQ q. ghi:

歲終、結呈諸色簿收。

Cuối năm tổng kết, báo cáo các thứ sổ sách, giấy tờ. Chư sắc nhàn nhân: Chỉ cho người vô dụng.

CHỨNG CHÂN TỰ

證眞寺

X. Vân môn tự.

CHỨNG ĐẠO CA CHÚ

證道歌註

1. Sách, 1 quyển, do Phạm Thiên Ngạn Kỳ soạn vào đời Tống, đệ tử là Huệ Quang biên tập.

Tác giả đem “Chứng Đạo Ca” của ngài Huyền Giác đời Đường giải thích rõ từng câu để chỉ cho người học con đường tắt tham thiền ngộ đạo. Sách được ấn hành vào niên hiệu Gia Định thứ 12 (1219), được xếp vào Tục Tạng kinh tập 111, trang 357.

2. Sách, 1 quyển, do Diệu Không Tri Nột soạn vào đời Tống, đệ tử là Đức Tối biên tập.

Tác giả cho rằng Phật pháp tuy chẳng phải do tìm kiếm trong văn tự ngữ ngôn mà được, nhưng người độn căn vẫn cần phải nhờ sự giải thích của ngôn ngữ văn tự để tìm hiểu yếu chỉ Phật pháp, cho nên ngài soạn ra sách này. Sách được ấn hành vào niên hiệu Thiệu Hưng thứ 16 (1146) đời Tống, và được xếp vào Tục Tạng kinh tập 114, trang 890.

3. Sách, 1 quyển.

Còn gọi: Chứng Đạo Ca chú tụng, do Trúc Nguyên Vĩnh Thịnh soạn vào đời Nguyên, Đức Hoằng biên tập.

Dưới mỗi câu của Chứng Đạo Ca, ngài Vĩnh Thịnh có làm lời bình ngắn, hợp nhiều câu lại để chú thích, bình luận và phụ thêm bài tụng. Sách được ấn hành vào niên hiệu Chí Nguyên thứ 1 (1341) đời Nguyên và được xếp vào Tục Tạng kinh tập 114, trang 904.

CHỨNG KHÔNG ĐẠI SƯ

證空大師

Hiệu của Thiền sư Cư Độn, đời Đường.

X. Cư Độn.

CHỨNG NGỘ

證悟

Còn gọi: Triệt ngộ, Triệt chứng.

Chỗ viên mãn công phu tu tập, an trụ tính giác trọn vẹn.

Đây là cảnh giới tự tâm do công phu tu hành phát ra, không phải là sự chỉ dạy của thầy bạn, nên cũng gọi là Trí vô sư. Trí này tương đương với Huệ trong ba môn Giới, Định, Huệ.

TQST ghi:

諸大德、九十日中、還曾證悟也無?如其未悟、則此一冬又是虛喪了也誰管三生、五生十生百生。若不徹悟、決定不休

Chư đại đức! Trong 90 ngày qua đã được chứng ngộ hay chưa? Nếu như chưa ngộ thì thêm một mùa đông đã luống qua vô ích… Đâu quản ba đời, năm đời, mười đời, một trăm đời, nếu chưa triệt ngộ quyết định không thôi.

TUMC ghi:

依香林淨爲師而受具足戒。後參謁勝靜普、而徹證。

Sư ở Hương Lâm Tịnh Công thụ giới cụ túc. Về sau sư tham vấn nơi Thắng Tịnh Phổ mà triệt chứng.

Theo: YCTT của HT. Thanh Từ.

CHƯỚC NHIÊN

灼然

Thực sự.

VMQL q. trung ghi:

舉長慶問秀才云。佛教云。眾生日用而不知儒書亦云。日用而不知。不知箇什麼。秀才云。不知大道。師云。灼然不知。

Nêu ra việc Trường Khánh hỏi Tú Tài: Phật giáo nói chúng sinh dùng hằng ngày mà không biết. Sách Nho cũng nói dùng hằng ngày mà không biết. Vậy không biết cái gì? Tú Tài nói: Không biết đại đạo. Sư nói: Thực sự ông không biết.

CHƯƠNG KỈNH TỰ

章敬寺

Chùa Chương Kỉnh ở ngoài cửa Thông Hóa, Đông thành, huyện Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Dưới triều vua Đường Đại Tông, quan Nội thị Ngư Triều Ân vì Hoàng thái hậu Chương Kỉnh mà xây cất. Ngài Pháp Khâm ở Kính Sơn thuộc tông Ngưu Đầu nhận lời mời của vua Đại Tông, về trụ trì chùa này và được Vua ban hiệu là Quốc Nhất Quốc Sư. Thiền sư Hoài Uẩn, nối pháp Mã Tổ Đạo Nhất cũng từng ở chùa này.

CÔ MINH

孤明

Vầng sáng lẻ loi, chỉ cho thật tướng của Phật tính, hoặc Tự tâm, hoặc Chân ngã.

TĐT q. 5 ghi:

思清人少慮、風規自然足。影落在音容、孤明絕撑獨。

Nghĩ điều trong sạch người ít lo buồn, phong cách quy củ tự nhiên đầy đủ. Pháp trần tụ lại ở nơi tiếng nói và dáng người, vầng sáng lẻ loi bặt mọi dính mắc.

CÔ NGẠNH

孤硬

Người cứng cỏi hoặc cơ phong cứng rắn.

Tiết Thiên Đồng Hàm Kiệt trong NĐHN q. 10 ghi:

不憚游行、遍參知識、後謁應庵於衢之明果。庵孤硬、難入、屢遭呵。

Sư không ngại đi xa, tham khắp các bậc tri thức, về sau yết kiến Ứng Am ở Minh Quả, Cù Chi. Cơ phong của Ứng Am cứng rắn khó vào, sư nhiều lần bị quở trách.

CÔ TỨC

姑息

Cô là cẩu thả; Tức là nghỉ ngơi. Nghĩa là cái đạo của tiểu nhân thì cẩu thả tạm yên vậy.

TLBH q. 1 ghi:

然一有顧利害較得失之心。則依違姑息靡所不至。且身既不正。又安能學道乎。

Nhưng có một điều: Nếu tâm mình tính đến lợi hại, so sánh hơn thua, thì sa đọa vào lỗi lầm cầu an và cẩu thả. Vả lại, thân đã bất chính thì đâu thể học đạo được!

CÔ XƯỚNG

估唱

Đánh giá kêu bán.

Chương Trùng San Cảnh Đức Truyền Đăng Lục Trạng của Hy Vị trong CĐTĐL q. đầu ghi:

遂於丙辰年正月初十日、將衣鉢估唱得統金一萬二千餘緡、是日命工刊行於世、流通祖道。

Bèn vào ngày 10 tháng 1 năm Bính Thìn đem y bát đánh giá kêu bán tất cả được hơn một vạn hai ngàn xâu tiền, ngày hôm nay sai thợ khắc bản lưu hành với đời, truyền bá đạo của Tổ.

CỐ

Cố tình, chỉ để.

Đàn Kinh bản Đôn Hoàng ghi:

我故遠來求法、不要其衣。

Tôi từ xa đến chỉ để cầu pháp, không cần y ấy.

CỐ TẤT

固必

Phép tắc cố định chẳng thay đổi.

Tiết Lương Sơn Sư Viễn Thiền sư trong NĐHN q. 10 ghi:

有般底只道宗師家無固必、凡有所問、隨口便答。

Có một bọn chỉ nói rằng bậc Tông sư không có phép tắc cố định, hễ có ai hỏi điều chi, thuận miệng đáp ngay.

CỔ CHÙY

古槌

Cái dùi xưa, dụ chỉ cho cơ phong cơ ngữ.

Bài Lệ giác ngâm của Hòa thượng Hương Nghiêm Trí Nhàn trong CĐTĐL q. 30 ghi:

日裏語、暗磋切、

快磨古槌凈挑揭。

Lời nói trong ngày thầm giũa gọt

Cơ phong bén nhọn quét sạch trơn.

CỔ CHUYẾT

古拙

Thiền sư sống vào cuối đời Nguyên đầu đời Minh, hiệu Tổ Đình, người xứ Tô Châu, Trung Quốc, nối pháp thiền sư Trí Độ, tông Lâm Tế.

CỔ DẪN

鼓引

Cổ động, đưa đường dẫn lối.

Phần thượng của Trung Phong quảng lục q. 4 ghi:

乃至奇言妙語、與奪抑揚、鼓引學人向他一棒一喝之下邪知曲解者、今古以來比比皆是。

Đối với người có tri giải tà vạy, thiền sư dùng ngôn ngữ kỳ đặc, khen chê, thưởng phạt đánh hét để đưa đường dẫn lối cho họ. Từ xưa tới nay các ngài đều làm như vậy.

CỔ ĐÌNH THIỀN SƯ NGỮ LỤC TẬP LƯỢC

古庭禪師語錄輯畧

Ngữ lục, 4 quyển, do Đào Diên biên soạn theo nội dung bộ ngữ lục của thiền sư Cổ Đình Thiện Kiên. Nội dung gồm:

Quyển 1: Hành cước, Pháp ngữ, Thuyết giới, Tâm yếu, Tam-muội, Huyễn chương, Cảnh đồ (Răn nhắc đệ tử), Huấn đồ (Dạy bảo đệ tử).

Quyển 2: Tam muội, Thiền định, Hoa Nghiêm Huyễn Trụ Lược tích, Hoa Nghiêm đại ý, Thị Nhất Tông Đầu-đà, Vô Tự trực thuyết, Hỏa lô đầu thoại, Ngưu thủ nhật lục.

Quyển 3: Luận, Thư, Bạt, Tụng.

Quyển 4: Kệ tán, Ca, Thất tuyệt, Ngũ luật, Thất luật, Tạp thể v.v…

Sách này được khắc bản lưu hành năm 1633.

CỔ ĐỨC

古德

Chỉ các bậc cao tăng thời xưa, bậc cao tăng đã qua đời.

Phần giải tụng của tắc 59, BNL q. 6 ghi:

不見僧問古德:如何是佛?古德云:頭長三尺、頸長二寸。

Chẳng thấy tăng (đời Đường) hỏi Cổ đức: Thế nào là Phật? Cổ đức đáp: Đầu dài ba thước (0,9m), cổ dài hai tấc (0,06m).

CỔ ĐỨC THIỀN TỰ

古德禪寺

Chùa Cổ Đức nằm ở Đông Đoan, đường Giải Phóng, Hán Khẩu, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Do Hòa thượng Long Hy sáng lập vào niên hiệu Quang Tự thứ 3 (1877) đời Thanh, ban đầu gọi là “Cổ Đức Mao Bồng” (Lều tranh Cổ Đức). Niên hiệu Quang Tự thứ 31 (1905) đời Thanh mở rộng xây dựng. Năm 1914 đến năm 1919 cải tạo và xây dựng lại đổi tên là “Cổ Đức Thiền Tự”. Năm 1921 lại xây cất thêm. Hiện còn kiến trúc chủ yếu như Thiên vương điện, Đại hùng bảo điện, Huyễn giác xá, Quán Âm đường, Tàng kinh lâu. Đại hùng bảo điện xây dựng mô phỏng theo kiểu chùa A-nan-đà ở Mianma. Hình dạng phần đỉnh có 9 tòa Phật tháp - “cửu long bái thánh”, 96 cái bệ chín hoa sen, 24 chư thiên Bồ Tát, bố cục khéo léo, kết cấu nghiêm cẩn. Cửa cái, cửa sổ, tường vách được thiết kế tỉ mỉ, trang sức hoa lệ hiển bày phong cách đặc biệt trong nghệ thuật kiến trúc.

CỔ ĐƯỜNG TỰ

古唐寺

Chùa Cổ Đường ở ngoại ô phía Đông bắc thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Được xây dựng vào niên hiệu Thần Long thứ 1 (705) đời Đường, ban đầu gọi là “Phúc Tiên Tự”. Võ Tắc Thiên từng soạn văn bia Phù Đồ cho chùa, Ngô Đạo Tử có vẽ bức Địa ngục biến đồ. Niên hiệu Khai Nguyên thứ 21 (733) tăng nhân Nhật Bản là Vinh Duệ và Phổ Chiếu sang Trung Hoa, vua Đường Huyền Tông bảo hai vị ngụ ở chùa Phúc Tiên và nhờ trụ trì chùa này là Đại sư Định Tân truyền giới cho hai người. Ba năm sau, Vinh Duệ và Phổ Chiếu cầu thỉnh tăng nhân chùa Phúc Tiên là Đạo Tuyền sang Nhật Bản hoằng pháp truyền giáo, về sau trở thành truyền nhân đời thứ hai của Thiền tông Nhật Bản. Chùa này chiếm địa vị trọng yếu trong quan hệ Phật Giáo Trung Nhật. Niên hiệu Thiên Khải thứ 2 (1622) đời Minh tháp cao trong chùa sụp đổ, chùa Phúc Tiên bị phá hủy. Dân làng đem những phần di vật dời về phía Bắc vài dặm xây dựng lại tự viện. Năm 1922 trùng tu, đề tên là “Cổ Đường Tự”. Chùa quay lưng về hướng nam nhìn về hướng bắc, lưng tựa Lạc Hà, mặt đối diện Mang Sơn. Hiện còn bốn lớp kiến trúc là Sơn môn, Thiên vương điện, Bạch y điện, Lập Phật điện.

CỔ HOÀNG

鼓簧

Lung lay như cái lưỡi gà trong ống sáo, chỉ cho lời nói khéo léo.

Thư đáp Đổng Văn Thừa Thiền nhân trong HSLNMDT q. 1 ghi:

千七百人、鼓簧播弄、亦不過递相發明此心地法門、豈此心外別求妙悟耶?

1.700 vị thiền sư dùng lời nói khéo léo để truyền bá, cũng chẳng qua là giúp nhau phát minh pháp môn tâm địa này, há ngoài tâm này mà tìm diệu ngộ nào khác được sao?

CỔ HỢP

鼓合

Cổ động.

Bài thơ Phổ Hóa trong NTNL q. hạ ghi:

者漢走從何處來

鼓合臨濟白拈賊

鐸聲搖撼動風雷

至今大地俱狼藉

Gã này từ đâu lại đến đây?

Cổ động (cho) Lâm Tế – tay giỏi trộm

Tiếng linh chấn động gió và sấm

Đến nay thế giới còn bừa bộn.

CỔ KIM ĐỘC LỘ ẨN HIỂN VÔ PHƯƠNG

古今獨露隱顯無方

Cổ kim: Biểu thị thời gian; Vô phương: biểu thị không gian. Một mình hiển bày trong xưa nay, hoặc ẩn hoặc hiện không nhất định.

Thiền tông dùng cụm từ này để chỉ cho chân lý Phật giáo không hạn cuộc trong thời gian và không gian.

Viên Thông Đại Ứng Quốc Sư ngữ lục, q. thượng ghi:

若是全擧宗乘、汝等諸人向甚處領會?所以古今獨露、隱顯無方。

Cổ đức nói: Nếu như chỉ nói về Tông thừa, thì các ông lãnh hội ở chỗ nào? Vì lẽ, chân lý Phật giáo không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian.

CỔ KIM TIỆP LỤC

古今捷錄

X. Phật Tổ Chính Truyền Cổ Kim Tiệp lục.

CỔ KÍNH

古鏡

Gương xưa.

Dụ cho Chân như Phật tính, nó tuy có khả năng chiếu soi khắp không gian thời gian, nhưng không có ý niệm chiếu soi.

Bài thứ nhất trong Sơn Cư Bách Vịnh của thiền sư Tông Bản ghi:

山居古鏡久埋塵

今日重磨氣象新

痕垢淨除光始現

分明面見本來人

Ở núi gương xưa dính bụi trần

Nay được chùi lau, dáng mới tinh

Bợn nhớp sạch rồi, gương lấp lánh

Chiếu soi diện mục thật phân minh.

CỔ LÂM

古林

Hiệu của Thiền sư Cơ Như đời Thanh.

X. Cơ Như.

CỔ MAI

古梅

Hiệu của Thiền sư Chính Hữu đời Nguyên.

X. Chính Hữu.

CỔ NGUYỆT (1843-1919)

古月

Thiền sư cận đại, họ Chu, tự Viên Lãng, người xứ Phúc Châu, Trung Quốc, nối pháp tông Tào Động. Sư trụ chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn.

CỔ NHAM

古巖

Hiệu của Thiền sư Phổ Tựu, đời Nguyên.

X. Phổ Tựu.

CỔ NIỆM (1841-1916)

古念

Thiền sư cận đại, họ Thư, tự Thanh Nhất, hiệu Huyễn Ảnh, người xứ Chung Tường (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Quảng Phúc Thanh, tông Lâm Tế.

Tác phẩm: Tông Cảnh Tiệp Yếu, 4 quyển.

CỔ QUÂN TỲ KHEO

古均比丘

Thiền sư Đức Dị đời Nguyên, người đời gọi là Cổ Quân Tỳ-kheo.

X. Đức Dị.

CỔ SƠN THẦN YẾN THIỀN SƯ NGỮ LỤC

鼓山神晏禪師語錄

Gọi đủ: Cổ Sơn Tiên Hưng Thánh Quốc Sư, Hòa thượng Pháp Đường Huyền Yếu Quảng tập.

Còn gọi: Hưng Thánh Quốc Sư Huyền Yếu Quảng tập.

Ngữ lục, 1 quyển, do Thần Yến soạn vào đời Đường, được xếp vào Cổ Tôn Túc ngữ lục quyển 37, và Tục Tạng kinh tập 118, trang 619. Nội dung gồm có: Các ngữ yếu thượng đường, lời của sư khám nghiệm tăng, lời đàm đạo với bậc Lão túc các nơi, lời thăm hỏi các bậc Đế vương, kệ tụng, sau cùng có lời bạt của Sĩ Khuê.

CỔ SƠN VI BÁI THIỀN SƯ HOÀN SƠN LỤC

鼓山爲霖禪師還山錄

X. Hoàn Sơn lục.

CỔ TẮC

古則

Còn gọi: Cổ cách, Cổ nghi, Cổ triệt

Câu nói dạy chúng của Cổ đức.

Bao gồm các câu nói của Phật Tổ và thiền sư, các công án ngộ đạo của Cổ đức, những lời hỏi đáp để khám nghiệm nhau của các sư gia. Những câu nói này được nhiều người tham thiền đời sau tôn là pháp tắc khuôn mẫu nên gọi là Cổ tắc, hay Cổ tắc công án.

Phủ Châu Tào Sơn Bản Tịch thiền sư q.1 ghi:

洞曹語錄之於支那。郭黎眉所輯錄也。是亦今而古則未也。

Ngữ lục của Động Tào đến Trung Quốc, Quách Lê My thu góp ghi lại. Đó cũng bởi hiện thời chưa có cổ tắc vậy.

CỔ THANH QUY

古清規

Còn gọi: Cổ quy, Bách Trượng thanh quy.

1. Chỉ cho Thanh quy do thiền sư Hoài Hải ở núi Bách Trượng biên soạn vào đời Đường.

2. Tự tính.

Kiết hạ khai thị chúng ở Thuận Tâm Am trong TMMBTSTL ghi:

只如諸人、箇箇胸中自有一本古清規、且不要犯他苗稼。

Chỉ như các ông, trong lòng mỗi người đều có một bản cổ thanh quy, chẳng nên phạm vào lúa mạ của người.

CỔ THOẠI

古話

Công án thời cổ đại.

PDNL q. trung ghi:

白云(系法演禪師之法號)又有箇古話、釋迦老子在跋提河側般涅槃了、迦葉始至、繞金棺而哭、於是世尊爲現雙趺、大衆!且道般涅槃時是、現雙趺時是?

Bạch Vân (là pháp hiệu của thiền sư Pháp Diễn) còn có một công án này: Ông già Thích-ca nhập Niết-bàn ở bên bờ sông Bạt-đề; ngài Ca-diếp mới đến, đi vòng quanh kim quan buồn khóc. Khi ấy Thế Tôn vì ngài duỗi hai bàn chân ra ngoài. Đại chúng! Hãy nói lúc nhập Niết-bàn là phải, hay lúc thò hai bàn chân ra ngoài là phải?

CỔ TÔN TÚC NGỮ LỤC

古尊宿語錄

Ngữ lục, 48 quyển, do Trách Tạng Chủ (Tăng Dĩnh Thủ Trách) soạn vào đời Tống, sư Tịnh Giới chùa Lan Cốc hiệu đính lại, được xếp vào Tục Tạng kinh tập 118, trang 157.

Bộ ngữ lục này căn cứ theo bộ Cổ Tôn Túc Ngữ Yếu 4 quyển, khắc bản vào khoảng năm 1141-1167 cũng do chính ngài biên soạn. Nội dung sưu tập ngữ lục của hơn 40 vị danh đức trong Thiền tông, từ Nam Nhạc Hoài Nhượng đến Mã Tổ, Bách Trượng, Lâm Tế, Vân Môn, Chân Tịnh, Phật Nhãn, Đông Sơn. Những ngữ lục này phần lớn không thấy ghi trong Cảnh Đức Truyền Đăng lục.

CỐC ẨN SƠN

谷隱山

Núi Cốc Ẩn nằm cách khoảng 7km về phía Đông nam Tương Phàn, Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đời Tấn, Tập Tạc Xỉ ẩn cư nơi đây. Trong núi có chùa Cốc Ẩn sáng lập vào đời Tấn, ngài Đạo An từng ở nơi đây. Trí Tĩnh thuộc tông Tào Động, đệ tử nối pháp của Trí Tĩnh là Tri Nghiễm, đệ tử nối pháp của Tri Nghiễm là Khế Sùng đều trụ trì chùa này.

 

view(1046)