C4
CHÍ PHÙNG (909-985)
志逢
Thiền sư đời Ngũ Đại, người xứ Dư Hàng (nay thuộc tỉnh Chiết Giang) Trung Quốc, nối pháp Quốc sư Đức Thiều, tông Pháp Nhãn. Ngô Việt Vương ban hiệu “Phổ Giác Thiền sư”.
CHÍ SIÊU
志超
Thiền sư đời Tống, nối pháp Thiền sư Vân Cư Thanh Tích, tông Pháp Nhãn.
CHÍ THẦN
至神
Chỉ cho tự tính.
TTM Tịch Nghĩa Giải của Thiền sư Trung Phong Minh Bản ghi:
師曠無耳、至神無體、靈源無底、達磨安得有所謂相傳之髓。
Sư Khoáng không lỗ tai, chí thần không có thể, nguồn linh không có đáy, Đạt-ma truyền tủy đâu thể được.
CHÍ THÀNH
志誠
1. Thiền sư đời Đường (665-735), họ Hà, người xứ Thái Hòa (nay thuộc Giang Tây) Trung Quốc, nối pháp Lục tổ Huệ Năng. Sư trụ chùa Bản Giác ở Cát Châu (Cát An, Giang Tây).
2. Thiền sư thời Pháp thuộc (1861-1933), thuộc tông Lâm Tế. Sư tên Nguyễn Văn Hiển, con của Hộ quốc Công Nguyễn Công Thành, người xã Viên Sơn, huyện Di Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Sư là người đích thân ủng hộ và vận động Phật tử giúp đỡ cho Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học.
CHÍ TRIỆT (670-735)
志徹
Thiền sư đời Đường, họ Trương, tên Hành Xương, người huyện Cám, Giang Tây, Trung Quốc, nối pháp Lục tổ Huệ Năng. Sư trụ chùa Từ Vân ở Giang Tây.
CHÍ TRUNG
志忠
X: Huệ Trung.
CHÍ VĂN (935-995)
志文
Thiền sư đời Đường, họ Hứa, người Thủy Hưng, Quảng Đông, Trung Quốc. Sư nối pháp thiền sư Chí Tường làm truyền nhân tông Vân Môn đời thứ 3.
CHÍ VIÊN
志圓
Thiền sư đời Ngũ Đại, nối pháp Thiền sư Cảm Đàm Tư Quốc. Nam Đường Chủ ban cho hiệu “Hiển Giáo Đại Sư”.
CHÍ VIỄN (768-844)
志遠
Thiền sư đời Đường, họ Tống, người Nhữ Nam (nay là chỗ giáp ranh giữa huyện Diệp và huyện Bảo Phong thuộc Lổ Sơn, Hà Nam), Trung Quốc. Sư nối pháp thiền sư Trí Như, làm truyền nhân tông Hà Trạch đời thứ 4, trụ trì chùa Đại Hoa Nghiêm ở núi Ngũ Đài (tại Sơn Tây)
CHÍ VIỄN HÒA THƯỢNG MỘ THÁP
志遠和尚墓塔
Tháp Hòa thượng Chí Viễn, nằm trong quần thể tháp phía sau đại điện chùa Phật Quang thuộc Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Tháp được xây vào niên hiệu Hội Xương thứ (844) đời Đường, là mộ tháp của Hòa thượng Chí Viễn, đệ tử của ngài Thần Hội. Tháp xây gạch, phần dưới là tòa Tu-di hình bát giác cao lớn, giống như tòa Tu-di cao lớn của tháp Thiền sư Tịnh Tạng, tháp Thiền sư Phiếm Chu. Trên tòa Tu-di là thân tháp hình chiếc bát úp. Bốn mặt chiếc bát úp đều có xây một cửa giả, cửa hình vòm, má cửa và ngạch cửa làm bằng đá, nay đã bị hư hại. Trên đỉnh thân tháp hình chiếc bát úp vốn có tháp sát, hiện đã bị phá hủy, hình thù gốc không ai biết rõ. Song sát tòa vẫn còn là tòa Tu-di hình bẹt. Tháp cao khoảng 5m tạo dáng trong sáng, hình thể đẹp đẽ thanh tú. Tháp đời Đường này chỉ còn trong nước có giá trị nghiên cứu quý báu.
CHỈ CAN CHÂM CHÙY
指竿針鎚
Ngón tay, cây sào, cây kim, cây dùi.
Những phương pháp mà bậc thầy sử dụng khi tiếp hóa người học.
Đang lúc thầy chỉ dạy, hoặc dùng ngón tay (chỉ) như ngón tay của ngài Câu Chi, hay dùng cây sào (can) của tông Lâm Tế, hay dùng cây kim (châm) cây dùi (chùy) để đâm vào đầu vào trán của học nhân nhằm khám nghiệm trình độ lãnh hội Phật pháp nơi họ.
Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi ghi:
況復拈指竿針鎚之轉機、舉拂舉棒喝之證契、是思量分別之所能解也。
Lại nữa, cách chuyển cơ dùng Chỉ Can Châm Chùy (ngón tay, sào, kim, dùi) hoặc nêu lên sự khế chứng bằng tát, đấm, đánh, hét là những cách mà trí suy nghĩ phân biệt chưa thể hiểu biết được.
CHỈ CHÚ
指注
Chỉ trích, bình nghị.
BNL q. 1 ghi:
只這「日面佛月面佛」極是難見。雪竇到此亦是難頌。却爲他見得透、用盡平生工夫指注他。
Nhưng cảnh giới Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật này rất khó thấy được. Tuyết Đậu đến đây cũng khó tụng ra chỗ kì diệu. Song vì sư đã thấy thấu suốt nên đem công phu hết sức bình sinh ra bình nghị.
CHỈ DOANH ĐẮC NHÃN TÌNH DÃ LẠC ĐỊA
只嬴得眼睛也落地
Chỉ còn đôi mắt cũng bị mù.
Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho do chẳng hiểu Phật lý, lầm giảng nói Phật pháp mà bị quả báo rụng lông mày, râu ria, hơn nữa, đôi mắt cũng bị mù.
Tắc 8, BNL ghi:
翠喦夏末示衆云:一夏以來爲兄弟說話(開口焉知恁麼?)看翠喦眉毛在麼?(只嬴得眼睛也落地和鼻孔也失了)。
Cuối hạ, Thúy Nham dạy chúng: Một hạ đã qua, tôi nói cho các huynh đệ nghe (Mở miệng đâu biết nói gì?) Hãy xem lông mày Thúy Nham ở đâu? (Chỉ còn đôi mắt cũng bị mù và lỗ mũi cũng mất nốt).
CHỈ ĐẮC NHẤT QUYẾT
只得一橛
Đành phải dùng một cái chốt cửa.
Quyết là cái chốt cửa bằng gỗ, muốn gài cửa phải dùng một cặp mới có tác dụng. Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho người mới chứng đắc có một nửa, hoặc sự hiểu biết có một nửa, chưa thể dùng được.
Tắc 6, TDL ghi:
堂堂坐斷舌頭路(一死不再活)。應笑毘耶老古錐(只得一橛)。
Đường đường quét sạch nẻo ngữ ngôn (một phen chết đi chẳng sống lại). Nên cười ông lão thành Tỳ-da (đành phải dùng một cái chốt cửa).
CHỈ ĐẦU HỮU NHÃN
指頭有眼
Ngón tay có mắt.
Thuật ngữ Thiền tông nhằm mô tả sự khai thị sáng suốt.
Tắc 42 BNL ghi:
好雪片片、不落別處(無風起浪、指頭有眼。)
Mảnh mảnh tuyết trắng, chẳng rơi đâu khác (tự nhiên sinh sự, nhưng vẫn là một cách khai thị sáng suốt).
CHỈ ĐÔNG CHỈ TÂY
指東指西
Chỉ Đông chỉ Tây.
Hành động hay lời nói lòng vòng, quanh co.
CĐTĐL q. 8 ghi:
師云:不用指東指西、直下本分事道來!
Sư (Triệu Châu) nói: Chẳng cần nói quanh co, hãy ngay nơi bản phận sự mà nói coi!
CHỈ ĐÔNG TÁC TÂY
指東作西
Còn gọi: Chỉ đông hoạch tây.
Chỉ Đông mà làm Tây. Ý chỉ việc làm trái ngược.
Thuật ngữ Thiền tông nhằm biểu thị việc chẳng thấu rõ chân lý.
Tắc 18, BNL ghi:
肅宗皇帝問忠國師:百年後所須何物?(預搔待痒、果然起摸畫樣老老大大作這去就。不可指東作西)。
Đường Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung: Sau khi viên tịch Ngài cần vật gì? (Gãi trước khi ngứa, rõ là bày vẽ, thật lẩn thẩn khi nghĩ ra việc này. Không thể chỉ đông mà làm tây).
CHỈ HUNG ĐIỂM LẶC
指胸點肋
Còn gọi: Điểm hung điểm lặc.
Vỗ hông vỗ ngực. Ý chỉ động tác cao ngạo, phách lối. Tự cao tự đại.
LTNL ghi:
尒諸處只指胸點肋、道我解禪解道。
Các ông chỉ vỗ hông vỗ ngực, nói mình hiểu thiền hiểu đạo.
CHỈ HỨA LÃO HỒ TRI, BẤT HỨA LÃO HỒ HỘI
只許老胡知、不許老胡會
Chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu.
Lão Hồ tức Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc Bồ-đề Đạt-ma. Tổ là người Nam Thiên Trúc, Trung Quốc quen gọi những người dị tộc từ hướng Tây đến là người Hồ, Thiền tông cũng nhân đó gọi đùa Tổ Đạt-ma là lão Hồ. Biết của lão Hồ, tức chỉ cho trí của Đạt-ma, nhưng ở đây còn có nghĩa thể nhận được chân lý, khế hợp với chân trí. Hiểu của lão Hồ, tức qua tác dụng của phân biệt phán đoán mới hội giải chân trí. Đối với ý nghĩa cứu cánh của thiền, phải dùng chân trí để thể nhập, khế ngộ, mà không cho lấy thế trí biện thông làm công phu phân biệt phán đoán. Dù cho là Tổ sư Đạt-ma cũng không dùng thế trí để hiểu được chỗ cứu cánh này.
Tắc 51, BNL ghi:
諸人要會末後句麼?只許老胡知、不許老胡會。自古及今、公案萬別千差、如荊棘林相似。
Các ông muốn ngộ câu rốt sau không? Chỉ cho lão Hồ biết, không cho lão Hồ hiểu. Từ xưa đến nay, công án sai khác rất nhiều, giống như rừng gai góc.
CHỈ NAM
指南.
Hướng dẫn, chỉ bảo.
CĐTĐL q. 51, 258 thượng ghi:
僧問:師歸丈室、相何指南?師(趙州)云昨夜三更失却牛、天明失却火。:
Vị tăng hỏi: Sư quay về trượng thất, nhằm chỉ bảo điều gì? Sư (Triệu Châu) đáp: Nửa đêm hôm qua mất trâu, rạng ngày bị hỏa hoạn.
CHỈ NGUYỆT LỤC
指月錄
Gọi đủ: Thủy Nguyệt Trai Chỉ Nguyệt lục.
Đăng lục 32 quyển, do Cù Nhữ Tắc soạn vào đời Minh, được xếp vào Tục Tạng kinh tập 143, trang 1. Nội dung tóm lược ngôn hạnh của 650 vị kể từ 7 vị Phật thời quá khứ đến ngài Đại Huệ Tông Cảo.
Quyển 1-3: bảy vị Phật quá khứ đến 28 vị Tổ Ấn Độ.
Quyển 4: Các Tổ sư Đông Độ.
Quyển 5-30: Đời thứ nhất đến đời thứ 16 sau Huệ Năng.
Quyển 31, 32: ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo.
Đây là tác phẩm của một nhà Nho bàn về Thiền, ý chính là muốn dung hợp Thiền và Nho, chẳng những ghi lại lịch sử truyền pháp của Thiền tông mà còn muốn cho người xem qua sách này được minh tâm kiến đạo. Cách sắp xếp tài liệu và ngôn từ biểu đạt có sức hấp dẫn rất mạnh, là một bộ sách Thiền học được hai giới Tăng Tục cùng thưởng thức, được lưu truyền rộng rãi. Đời Thanh, Niếp Tiên soạn “Tục Chỉ Nguyệt lục” 21 quyển, cũng được xếp vào Tục Tạng kinh tập 143, trang 744.
CHỈ NHƯ
祇如
1. Thế thì. (k. ng)
Trong phân câu sau, đặt ở đầu câu nghi vấn, biểu thị ngữ khí thừa tiếp.
NĐHN q. 6 ghi:
先淨照禪師、問楞巖大師:經中道:若能轉物、即同如來。若被物轉、即名凡夫。祇如昇元閣作麼生轉?
Ban đầu Thiền sư Tịnh Chiếu hỏi Đại sư Lăng Nham: Trong kinh nói: Nếu chuyển được vật tức đồng Như Lai, còn nếu bị vật chuyển thì gọi là phàm phu? Thế thì làm sao chuyển được cái gác Thăng Nguyên?
2. Ngay như.
Đặt ở đầu phân câu chính, có tác dụng chỉ ra nội dung chủ yếu của câu nghi vấn.
NĐHN q. 16 ghi:
只如聖凡雙泯、迷悟俱忘、一句作麼生道?
Ngay như lúc Thánh phàm bặt dứt, mê ngộ đều quên, làm sao nói lấy một câu?
3. Còn gọi: Thả như (Chẳng hạn như).
Đặt ở đầu câu nghi vấn.
NĐHN q. 20 ghi:
且如臨濟悟去、是得黃蘗力、是得大愚力?
Chẳng hạn như việc Lâm Tế ngộ đó, là do sức của Hoàng Bá hay của Đại Ngu?
CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA
只管打坐
Cứ một mực ngồi thiền.
Nhất tâm chuyên ý ngồi thiền, chẳng quản đến việc gì khác, là chỉ tọa thiền trên lập trường vô sở đắc vô sở ngộ. Thiền sư Đạo Nguyên, Khai tổ tông Tào Động Nhật Bản tiếp nhận truyền thống Thiền Mặc Chiếu của Trung Hoa, nhận lấy ý chỉ Tham thiền tức tọa thiền của ngài Thiên Đồng Như Tịnh và nhấn mạnh đến pháp môn Chỉ quản đả tọa.
CPNTq. 72 ghi:
先師古佛云:參禪者、身心脫落也。只管打坐始得、不要燒香、禮拜、念佛、修懺、看經。
Cổ Phật tiên sư nói: Người tham thiền phải quên hết thân tâm, cứ một mực ngồi thiền mới được, chẳng cần đốt hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, xem kinh.
CHIẾT HỢP
折合
1. Kết quả.
NTNL q. hạ ghi:
過去諸如來、斯門已敗缺;現在諸菩薩、今各無折合;未來修學人、切忌顛倒走。
Chư Như Lai quá khứ đã bị thua nơi cửa này; chư Bồ-tát hiện tại đều không có kết quả; người tu học mai sau rất kỵ chạy lộn ngược.
2. Ứng phó, đối phó.
Tiết Minh Chiêu Đức Khiêm Thiền sư trong LĐHY q. 25 ghi:
劈脊與一棒、看他如何折合。
Đánh một gậy vào xương sống để xem ông ta đối phó ra sao?
CHIẾT SÀNG HỘI
折床會
Ông Hội giường gãy.
Tiết Hồ Nam Đông Tự Như Hội Thiền sư trong NĐHN q.3 ghi:
始興曲江人也。初謁徑山。後參大寂。學徒既眾。僧堂牀榻為之陷折。時稱折牀會也。
(Thiền sư Như Hội) người Thủy Hưng, huyện Khúc Giang. Ban đầu yết kiến Kính Sơn, sau tham kiến Đại Tịch. Người theo Sư học đạo đông đến nỗi giường nằm trong tăng đường bị trũng gãy, nên thời ấy gọi ngài là Chiết sàng Hội (ông Hội giường gãy).
CHIÊU GIÁC TỰ
昭覺寺
Chùa Chiêu Giác, ở ngoại ô cách thành phố Thành Đô 5km về phía Bắc, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thường gọi là “Tứ Xuyên Đệ Nhất Tùng Lâm”.
Được sáng lập vào khoảng niên hiệu Trinh Quán (627-649) đời Đường. Ban đầu tên là “Kiến Nguyên Tự”, vua Đường Tuyên Tông ban tên “Chiêu Giác Tự”, đời Tống đổi tên “Lục Tổ Tự”. Khoảng niên hiệu Sùng Ninh (1102-1106) Phật Quả Khắc Cần thuyết pháp nơi đây, lại gọi là “Chiêu Giác Tự”. Đầu niên hiệu Thiệu Hưng (1131-1162) vua ra lệnh đổi Chiêu Giác Tự thành “Thiền Lâm”. Niên hiệu Thuận Trị thứ 1 (1644) đời Thanh chùa bị binh lửa phá hủy. Niên hiệu Khang Hy thứ 2 đến thứ 26 (1663-1687) do Trụ trì Trượng Tuyết chủ trì trùng tu. Nhà cửa vườn rừng chiếm 2,2 ha quy mô rộng lớn, cây cối xanh biếc, là một ngôi cổ sát nổi tiếng Thành Đô. Hiện còn những kiến trúc chủ yếu như Đại sơn môn, Bát giác đình, Thiên vương điện, Tiên giác đường, Phổ đồng tháp và mộ Thiền sư Viên Ngộ.
CHIÊU MINH THIỀN TỰ
昭明禪寺
Thiền tự Chiêu Minh, tọa lạc ở ngọn Ngọc Bình, phía Đông núi Thiên Mục, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Vào đời Lương Nam Triều Thái tử Chiêu Minh tu thiền mà sáng lập chùa này, khi ấy gọi là “Chiêu Minh Viện”. Khoảng niên hiệu Đại Thông (527-528) đời Lương vua ban tặng tấm biển “Chiêu Minh Thiền Tự”. Từ Đường Tống trở đi bao phen hưng phế, sau cùng bị phá hủy bởi binh lửa. Niên hiệu Hồng Vũ thứ 10 (1377) đời Minh trùng tu. Khoảng niên hiệu Thành Hóa (1465-1487) Bảo Phương trụ trì chùa này, khởi công xây dựng Thiên Phật Các, đúc 1.000 tượng Phật bằng đồng. Vô Thú Như Không đời Minh; Độc Siêu, Đạo Nguyên đời Thanh từng trụ chùa này. Niên hiệu Hàm Phong thứ 11 (1861) đời Thanh chùa bị phá hủy bởi binh lửa. Sau này Trí Hải Đốn Giác cùng đệ tử nối pháp là Tịnh Năng Viên Tham từ phía Tây núi Thiên Mục đến đây tổ chức dần dần trở lại kiểu cũ.
CHIÊU NHƯ (1246-1312)
昭如
Thiền sư đời Nguyên, họ Dương, tự hiệu Hải Ấn, người xứ Tân Cam (nay là huyện Tân Can, tỉnh Giang Tây) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Tuyết Nham Tổ Khâm, tông Lâm Tế.
Tác phẩm: Hải Ấn Hòa thượng ngữ lục.
CHIÊU PHÚC TỰ THIỀN HÒA THƯỢNG THÁP
招福寺禪和尚塔
Tháp Hòa thượng Thiền chùa Chiêu Giác, nằm trong chùa Chiêu Phúc, thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, xây cất vào đời Đường.
Dưới tháp là tòa Tu-di khá cao, trong tòa có khảm cửa hình cung, trên tòa là lan can, trên nữa là kiến trúc xây gạch theo kiểu đình các. Đỉnh tháp dùng gạch nhiều lớp chồng lên nhau, mái tháp rộng lớn. Đầu mái tháp điêu khắc thành dáng hình cây rui và ngói diềm mái. Tháp sát là hình cây kim ngân hai tầng to mập có hoa văn hoa núi lá chuối, phía trên đựng hoa sen. Các bộ phận tỉ lệ cân xứng, giàu cảm giác tiết tấu là tác phẩm tinh hoa của những tháp đời Đường.
CHIÊU SƠN
昭山
Núi Chiêu Sơn, nằm bên bờ đông Tương Giang, cách thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc 20km về phía Đông bắc, là nơi giáp giới giữa ba thành phố Trường Sa, Tương Đàm, Chu Châu.
Tương truyền Chu Chiêu Vương khi đi tuần tra phía nam có đến nơi này, nên gọi là “Chiêu Sơn”. Đại họa gia đời Tống là Mễ Phất dựa vào cảnh quan núi này vẽ thành bức tranh “Sơn Thị Tình Lam”, Chiêu Sơn từ đây nổi tiếng như cồn. Đỉnh núi có Chiêu Sơn Thiền Tự được xây cất vào đời Đường, đời Tống gọi là “Chiêu Dương Điện”. Niên hiệu Càn Long thứ 23 (1758) đời Thanh trùng tu. Trong chùa có Huyền Đế cung, Ngọc Hoàng các, Quán Âm đường, Quan Thánh điện. Mỗi khi có lễ hội hương khách bốn phương vân tập, khói hương sơn tự lượn lờ, âm thanh chuông khánh không bao giờ ngớt.
CHIÊU THIỀN TỰ
昭禪寺
Còn gọi: Chùa Láng.
Chùa Chiêu Thiền, ở làng Yên Lãng (làng Láng), huyện Hoàn Long (sau là huyện Từ Liêm), kinh đô Thăng Long (nay thuộc quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội), Việt Nam.
Chùa được lập từ thế kỷ XII, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền vị thiền sư này tu hành và đắc đạo ở đây, hóa kiếp ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) tức Lý Thần Tông. Theo tục cổ, cứ mười hai năm mở hội lớn một lần, nên ca dao có câu: Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba, Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy. Chùa được xây cất theo kiến trúc cung đình nên theo thứ tự có 3 cổng lớn và 3 sân rộng mới đến chùa. Kiến trúc chùa gồm có: Tiền đường - tòa nhà rộng 5 gian, thờ các tượng Kim Cang và Hộ pháp. Chính điện - tòa nhà rộng 5 gian, thờ nhiều tượng Phật, Bồ Tát, Kim Cang. Hậu cung hay Điện thánh - hình vuông gồm 3 gian, thờ tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Phía sau điện Thánh có một sân nhỏ, tiếp đến là nhà khách và Tăng đường.
CHIẾU CỐ
照顧
Coi chừng, chú ý.
Thư của Dương Ức gởi Lý Duy ở phần phụ cuối trong CĐTĐL q. 30 ghi:
大凡參學之人。十二時中長須照顧。不見南泉道。三十年看一頭水牯牛。若犯他人苗稼。摘鼻拽迴。如今變成露地白牛。裸裸地放他不肯去。
Nói chung kẻ tham học suốt ngày phải luôn luôn chiếu cố (thoại đầu). Không nghe Nam Tuyền nói sao: Ba mươi năm chăn một con trâu đực, nếu nó xâm phạm lúa mạ của người thì liền nắm mũi kéo lại. Ngày nay đã biến thành con trâu trắng lồ lộ đuổi nó không chịu đi.
CHIẾU ĐƯỜNG
照堂
Khoảng giữa cửa sau của tăng đường và chỗ rửa mặt rửa tay có một hành lang, mái nhà che nơi ấy rất cao, thiếu ánh sáng, nên phải mở cửa sổ trên mái nhà, gọi là Chiếu đường. Về sau, trong Thiền viện thường đặt một cái ghế ngồi thiền dưới Chiếu đường, là chỗ vị Thủ tọa thay thế Trụ trì thuyết pháp, chỉ dẫn chúng tăng.
CHIẾU Y (1605-1673)
照衣
Thiền sư đời Thanh, họ Hùng, hiệu Huệ Giác, người xứ Kỳ Giang (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Phá Sơn Hải Minh.
Tác phẩm: Huệ Giác Y Thiền sư ngữ lục 3 quyển.
CHÍNH ÁN BÀNG ĐỀ
正按傍提
Cơ pháp biến hóa.
Chính án: Ghìm kiếm đối mặt nhau; Bàng đề: Giơ đao tấn công ở mặt bên.
Thuật ngữ Thiền tông chỉ cho cơ pháp biến hóa tự tại của thiền sư khi tiếp hóa người học, có lúc thì công kích mặt chính để chỉ bày đệ nhất nghĩa đế; có lúc lại dùng phương thức đánh úp ở mặt bên khiến cho người trong khoảng tiến thoái, tự nhiên hướng về chính đạo.
Tắc 66, BNL ghi:
當機覿面
提陷虎之機
正按傍提
布擒賊之略。
Đối mặt đương cơ,
Giăng bẫy bắt cọp.
Cơ pháp biến hóa,
Bày mưu bắt giặc.
CHÍNH ẤN
正印
Thiền sư đời Nguyên, họ Lưu, hiệu Nguyệt Giang, tự xưng là Tùng Nguyệt Ông, người xứ Liên Giang (nay thuộc tỉnh Phúc Kiến) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Hổ Nham Tịnh Phục.
CHÍNH CHÂN (1780-1861)
正眞
Thiền sư đời Thanh, họ Hà, tự Đạt Tông, hiệu Tây Trai, người xứ Tương Đàm tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Sư nối pháp Thiền sư Bảo Lâm Đạt Trân, đời thứ 44 hệ Nam Nhạc. Sư trụ trì chùa Thứu Phong.
Tác phẩm: Tây Trai tập.
CHÍNH ĐỊNH KHAI NGUYÊN TỰ THÁP
正定開元寺塔
Tháp chùa Chính Định Khai Nguyên, nằm trong khuôn viên chùa Khai Nguyên trong thành huyện Chính Định, Tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Chùa sáng lập vào niên hiệu Hưng Hòa thứ 2 (540) đời Đông Ngụy, niên hiệu Càn Ninh thứ 5 (898) đời Đường trùng tu, trải qua nhiều đời đều có sửa chữa. Trong chùa hiện còn lầu chuông, tháp gạch. Tháp cao 48m xây bằng gạch hình vuông, chín tầng mái kín. Tầng thứ nhất khá cao có cửa động tròn nhưng không thể trèo lên. Tầng thứ hai đến tầng thứ chín đều có mở cửa sổ nhỏ. Trên góc nền tháp có tượng Thiên vương lực sĩ khắc bằng đá. Mỗi tầng tháp thu nhỏ dần theo chiều cao, tạo dáng rất đẹp. Dù được tu sửa vào đời Minh Thanh nhưng phong cách kiến trúc đời Đường vẫn còn.
CHÍNH ĐƯỜNG
正堂
Còn gọi: Tẩm đường.
Nhà phương trượng trong Thiền viện, tức là chỗ ở của vị Trụ trì.
Chương Quy Dương Sơn Vô Liễu Thiền sư trong CĐTĐL ghi:
偈畢儼然告寂、瘞於正堂、垂二十載。
Làm kệ xong, Sư an nhiên thông báo mình sẽ thị tịch, rồi Sư ngồi sững nơi chính đường đến 20 năm.
Theo: PQĐTĐ nhóm Từ Di.
CHÍNH HỐI (1545-1628)
正晦
Thiền sư đời Minh, họ Lưu, hiệu Vô Tích, người xứ Đương Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) Trung Quốc, nối pháp Hòa thượng Thiên Trụ.
Tác phẩm: Bát Thức Quy Củ Tụng Lược Thuyết, Trang Tử Chú.
CHÍNH HỮU (1285-1352)
正友
Thiền sư đời Nguyên, họ Vu, hiệu Cổ Mai, người xứ Quảng Tín (Thượng Nhiêu, Giang Tây) Trung Quốc. Sư nối pháp Thiền sư Tuyệt Học Thế Thành, đời thứ 24 hệ Nam Nhạc.
CHÍNH LỆNH ĐƯƠNG HÀNH
正令當行
Đạo Phật Tổ lưu hành ở đời.
Tắc 63, BNL ghi:
以正令當行、十方坐斷一語、喩指棒喝之外、不立一法、乃爲教外別傳之宗旨。
Lấy một câu Chính lệnh đương hành, thập phương tọa đoạn để chỉ cho ngoài việc đánh hét chẳng lập một pháp nào khác mới là tông chỉ giáo ngoại biệt truyền.
CHÍNH LỆNH TOÀN ĐỀ
正令全提
Thiền cơ lập bày mang sắc thái chính tông, cũng là giáo pháp gợi ý hoàn toàn triệt để.
MANL ghi:
正令全提。十方坐斷。千差萬別。一句該通。佛與眾生。皆爲剩法。恁麼會得。全賓是主。全主是賓。
Chính lệnh toàn đề quét sạch mười phương, một câu gồm thông ngàn muôn sai khác. Phật và chúng sinh đều là pháp dư thừa. Hiểu được như thế thì toàn khách là chủ, toàn chủ là khách.
CHÍNH NGUYÊN (792-869)
正元
Thiền sư đời Đường, họ Thái, người xứ Tuyên Châu (nay là Tuyên Thành, tỉnh An Huy) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Ngũ Tiết Linh Mặc. Thụy hiệu: Tính Không Đại Sư.
CHÍNH NGUYÊN (1290-1361)
正源
Thiền sư đời Nguyên, họ Âu Dương, tự Trúc Viễn, người xứ Nam Khang (nay thuộc tỉnh Giang Tây) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Hư Cốc Hy Lục.
CHÍNH NGUYÊN LƯỢC TẬP
正源畧集
Đăng lục, 16 quyển, do Đạt Trân soạn vào đời Thanh, được xếp vào Tục Tạng kinh tập 145, trang 301.
Đạt Trân tiếp tục công tác biên tập của Bái Lâm Tế Nguyên đời thứ 39 và của Chiêu Nguyệt Liễu Trinh đời thứ 40 dưới Nam Nhạc, cùng chép thêm liệt truyện của hai vị sư này để thành sách, song mất quyển 1, bài tựa và bài bạt. Quyển 2 đến quyển 16: gom chép tên họ và cơ duyên ngữ yếu thiền sư từ đời thứ 34 đến đời thứ 40 dưới Nam Nhạc, đời thứ 3 (Tông Cảnh) đến đời thứ 13 dưới Thanh Nguyên và 8 vị cư sĩ, tính chung có 405 vị. Đạt Trân còn soạn một quyển Chính Nguyên Lược Tập Bổ Di, tiếp tục bổ sung 28 vị.
CHÍNH NGƯNG (1191-1274)
正凝
Thiền sư đời Tống, họ Lý, người xứ Thái Hồ, Thư Châu (nay thuộc tỉnh An Huy) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Cô Phong Tú.
CHÍNH NHAM
正巖
1. Thiền sư đời Thanh (1597-1670), họ Quách, tự Khê Đường, hiệu Tùy Sơn, Thúc Am, Ngẫu Dư, Ngẫu Ngư. Về già sư lấy hiệu là Nam Bình Ẩn Tẩu, nối pháp Thiền sư Tam Phong Pháp Tạng.
2. Thiền sư đời Thanh, họ Lý, ban đầu hiệu Kim Nham, sau ký tên là Tế Nham, tự Sơn Phẩm, người xứ Phiên Ngu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Kế Khởi Trữ.
CHÍNH NHÃN
正眼
Còn gọi: Chính pháp nhãn.
1. Giống như Chính pháp nhãn tạng.
Tựa CĐTĐL của Dương Ức ghi:
蓋大雄付囑之旨、正眼流通之道、教外别行、不可思議者也。
Bởi ý chỉ phó chúc của bậc Đại hùng là con đường lưu thông chính pháp nhãn tạng, có cách thực hành khác ngoài giáo điển, không thể nghĩ bàn.
2. Ánh mắt trí tuệ quan sát sự vật, nhận thức chân lý của thiền giả.
Tiết Hoa Tạng Hữu Quyền Thiền sư trong NĐHN q. 20 ghi:
此三大老、行聲前活路、用劫外靈機。若以衲僧正眼檢點將來、不無優劣。
Ba vị đại lão này làm công việc trước khi lên tiếng, vận dụng sự nhạy cảm tránh khỏi tai ương, nếu dùng chính nhãn để xem xét thì chẳng phải không có hơn kém.
CHÍNH NHÂN (1213-1297)
正因
Thiền sư đời Nguyên, họ Du, người xứ Nhân Hòa (nay thuộc Hàng Châu) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Dục Vương Kham.
CHÍNH NIỆM (1215-1289)
正念
Thiền sư đời Nguyên, hiệu Đại Hưu, người xứ Vĩnh Gia (nay thuộc Ôn Châu, Chiết Giang) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Thạch Khê Tâm Nguyệt.