B9

Posted by tranminhhuydn on Wed, 29/03/2017 02:07

BỔ XỨ

補處

Vị Bồ-tát kế thừa đức Phật trước mình để thành Phật. Người kế thừa Tổ sư trong nhà thiền.

Chương Thích-ca Mâu-ni Phật trong CĐTĐL q. 1 ghi:

爾時世尊說此偈已、復告迦葉:吾將金縷僧伽梨衣傳付於汝、傳授補處、至慈氏佛出世、勿令朽壞。

Khi ấy, đức Thế Tôn nói kệ này xong, lại bảo Ca-diếp rằng: Ta đem y Tăng-già-lê của chư Phật giao lại cho ngươi, truyền trao bổ xứ, đến lúc Phật Từ Thị ra đời, chớ để hư mất.

Chương Hy Thiên truyện trong TCTT q. 9 ghi:

後聞盧陵青源山思(指行思)禪師爲曹溪(指六祖慧能)補處、又攝衣從之。

Về sau, sư nghe thiền sư Tư (chỉ Hành Tư) trụ núi Thanh Nguyên ở Lô Lăng được Tào Khê (chỉ Lục Tổ Huệ Năng) bổ xứ, liền thay đổi y phục đi theo ngài.


BỐC ĐẠC

卜度

Dùng lẽ thường tình của thế tục để suy nghĩ và chú giải.

Tiết Nghệ Ngôn trong NHQL q. 29 ghi:

不管有義無義、畢竟卜度他不得。

Dù cho có nghĩa hay không có nghĩa, xét đến cùng thì dùng lẽ thường tình của thế tục để suy nghĩ về nó thì chẳng được.

BỒI THỰC

陪食

Tiếp đãi ăn uống.

Trong Thiền tông, vào ngày kỵ Sơ Tổ Đạt-ma, vị Trụ trì không đến Trai đường ăn cháo mà ở Pháp đường ăn cháo để tiếp đãi Tổ sư.

Điều kị Đạt-ma trong STBTTQ q. 3 ghi:

次日早,住持上香禮拜,上湯上粥,座下側坐陪食。

Sáng sớm ngày kế, vị Trụ trì thắp hương lễ bái, dâng nước trà, dâng cháo, rồi xuống tòa ngồi một bên, ăn cháo tiếp đãi Tổ sư.

BÔN LƯU ĐỘ NHẪN

奔流度刃

Dòng nước chảy xiết.

Thuật ngữ chỉ cho pháp nhãn, thiền cơ xảy ra chớp nhoáng.

Tiết Thị Dục Tạng Chủ trong DTNL q. 3 ghi:

示汝一機一境、一挨一拶、如擊石火、如閃電光、如疾焰過風、如奔流度刃、如金剛圈、如鐵酸餡。

Dạy ngươi một cơ một cảnh, bên xô bên đẩy, như đập đá nháng lửa, như ánh điện chớp, như gió thổi lửa bùng, như dòng nước chảy xiết, như vòng kim cang, như bánh bao nhân sắt.

BÔN SẤN

奔趁

Đuổi theo, đuổi kịp.

Tào Khê Đại Sư Biệt truyện ghi:

慧明聞能(指慧能)大師將衣鉢去、遂奔趁南方、尋至大庾岭。

Huệ Minh nghe Đại sư Năng (chỉ Huệ Năng) đem y bát đi, liền nhằm hướng Nam đuổi theo. Đến núi Đại Lãnh thì đuổi kịp.

BỔN

Tất cả những từ bắt đầu BỔN xin xem nơi BẢN.

BỔNG HÁT

棒喝

Đánh hét.

Cách tiếp hóa đệ tử của Tổ sư Thiền tông. Bậc thầy giỏi trong nhà thiền, khi tiếp dẫn người học thường dùng tiếng hét hoặc dùng gậy đánh để dứt hẳn sự suy nghĩ hư vọng của họ, hay nhằm khảo nghiệm chỗ ngộ của họ.

Tắc 2, BNL ghi:

殊不知、這老漢平生不以棒喝接人、只以平常言語。

Thật không ngờ, lão già này cả đời chẳng dùng đánh và hét để tiếp độ người mà chỉ dùng ngôn ngữ bình thường.

Bổng hát giao trì: Đánh hét xen lẫn nhau. Về sau, Thiền sư tiếp dẫn người học, phần nhiều dùng cách đánh xen lẫn với hét nhằm mục đích thúc đẩy người học chóng giác ngộ.

Tham thiền kệ trong Thiền Tịnh Hợp Yếu của Thiền sư Phương Tụ Thành ghi:

參禪第一、

知恩識德

棒喝交馳、

非徒施設

Pháp tham thiền bậc nhất,

Biết ơn thiện tri thức.

Đánh hét xen lẫn nhau,

Chẳng lập bày vô ích.

Đương đầu bổng hát: Dùng đánh và hét để cảnh tỉnh sự mê chấp của người học. Đòn cảnh tỉnh.

BÙI HƯU

裴休

Cư sĩ đời Đường, tự là Công Mỹ, người đất Tế Nguyên (nay thuộc Hà Nam), Trung Quốc.

Ông thi đỗ Tiến sĩ, đậu bậc Hiền lương phương chính dị, lần lượt qua các dinh phủ được làm Giám sát Ngự sử. Niên hiệu Đại Trung thứ 6 (852) ông được giữ chức Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Thị lang Chuyển trung thư, kiêm Lễ bộ Thượng thư, tại chức 5 năm rồi đổi làm Tiết độ sứ ở Chiêu Nghĩa, Hà Đông, Phượng Tường, Kinh Nam. Đầu niên hiệu Hàm Thông (860-873) ông làm Hộ bộ Thượng thư, đổi sang Thái tử Thiếu sư. Ông tinh thông kinh Phật, từng bàn luận Kinh Hoa Nghiêm với thiền sư Tông Mật suốt cả đêm. Niên hiệu Hội Xương thứ 2 (842), ông làm Liêm Trấn (tức Quan sát sứ) ở Chung Lăng (nay là Cao An, Giang Tây), cung thỉnh Thiền sư Hy Vận đến chùa Long Hưng sớm chiều hỏi đạo. Niên hiệu Đại Trung thứ 2 (848) Bùi Hưu dời về trấn Uyển Lăng (nay là Tuyên Thành, An Huy), lại cung thỉnh ngài Hy Vận đến chùa Khai Nguyên để tham vấn và ghi chép lại những lời dạy, chính là các bộ sách Hoàng Bá Hy Vận Thiền sư Truyền Tâm Pháp YếuUyển Lăng lục hiện còn lưu hành.

BÙI HƯU THẬP DI VẤN

裴休拾遺問

X. Thiền Môn Sư Tư Thừa Tập Đồ.

BÚT

Ghi chép.

Tiết Minh Châu Tổ Giám Thiền sư trong NĐHN q. 18 ghi:

僧請筆師語要。

Tăng xin được ghi chép những phần quan trọng trong ngữ lục của Sư.

BÚT KÝ

筆記

Thể loại văn xuôi tự sự.

Sách ghi lại con người và sự việc trong Thiền lâm. Thí dụ:Tông Môn Võ Khố của Đại Huệ Tông Cảo, Lâm Gian lục của Huệ Hồng soạn, La Hồ Dã lục của Hiểu Oánh soạn, Vân Ngọa Kỷ Đàm do Hiểu Oánh soạn, Tùng Lâm Thịnh Sự do Đạo Dung soạn, Nhân Thiên Bảo Giám do Đàm Tú soạn, Sơn Am Tạp lục do Vô Uấn soạn đều thuộc thể loại này.

BỨC TẠT

逼拶

Bức ngặt.

Thiền sư khéo lập phương tiện, chặt đứt ngôn ngữ tri giải của người học, khiến họ không suy nghĩ gì được nữa, không còn đường tiến thoái. Trong cơn quẫn bách đó, người học có khả năng bước vào cảnh giới ngộ, đây gọi là Bức Tạt.

MANL ghi:

逼拶燈籠露柱、盡要心空及第。

Bức tạt lồng đèn cột cái, tất cả cần tâm không mới đỗ đạt.

BỨC TẮC

偪塞

Đầy ắp, sung mãn.

HNNL ghi:

如聾如啞、

偪塞乾坤、

知痛知痒、

能有幾箇?

Như điếc như câm

Đầy ắp đất trời,

Biết đau biết ngứa

Có được mấy người ?

view(857)